
Tự học giao tiếp tiếng Thuỵ Điển – Phần 4
Gần đây Admin nhận được nhiều tin nhắn và email của bạn đọc trang blog Học tiếng Thuỵ Điển đơn giản, nhiều bạn mong muốn rằng Admin sẽ chia sẻ thêm về chuyên mục giao tiếp, tự học giao tiếp tiếng Thuỵ Điển.
Có bạn chia sẻ rằng bạn ấy đã rất may mắn khi tìm thấy loạt bài viết Tự học giao tiếp tiếng Thuỵ Điển gồm từ và cụm từ người Thuỵ Điển thường hay sử dụng. Những từ và cụm từ Admin chia sẻ đã giúp cho việc giao tiếp của bạn ấy với những người xung quanh được trôi chảy hơn và có chút gì đó “Thuỵ Điển” hơn một xíu. Chỉ vài dòng tâm sự nho nhỏ như vậy thôi cũng đủ làm Admin thấy ấm lòng, vì mục đích lập ra trang blog này là dành cho các bạn mới học tiếng và còn gặp khó khăn trong việc bắt đầu giao tiếp với người đối diện. Mình luôn khuyến khích các bạn cứ mạnh dạn, tự tin giao tiếp cho dù có sai ở những lần đầu đi nữa thì cũng không phải là vấn đề gì to tát cả. Vì một khi bạn đã giao tiếp thường xuyên hay bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Thuỵ Điển hàng ngày thì phản xạ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể theo thời gian. Từ đó bạn sẽ nhận ra được việc giao tiếp của mình gặp vấn đề ở đâu và cần phải làm gì để cải thiện tình hình.
Dưới đây là một số từ và cụm từ mà Admin ngồi viết lại trong lúc đợi máy bay cất cánh, nhân dịp đi chơi lễ giáng sinh 2019, các bạn cùng đọc nhé:
1. Vad sa du? – Bạn (đã/ vừa) nói gì vậy?
Câu này có thể được xem là một trong những câu cửa miệng của người Thuỵ Điển. Dùng khi bạn muốn hỏi lại người đối diện nếu bạn không nghe rõ họ mới nói gì hoặc bạn đã nghe rồi nhưng muốn hỏi lại cho chắc chắn thông tin vừa nghe.
2. Gärna/ vill gärna: rất thích, rất muốn, thực sự muốn một điều gì đó
Thường dùng để nói rằng bạn thực sự muốn, thực sự thích và không ngần ngại, đắn đo về một điều gì đó. Mỗi khi dùng từ này hàng ngày với đồng nghiệp cái mình thấy nó có chút thân thương.
Ví dụ 1: đồng nghiệp mình hay hỏi mình mỗi ngày
Min kollega: Vill du ha te, Karin? – Karin, mày uống trà hem?
Karin: Ja, gärna. – Có, muốn lắm í (cùng một nụ cười hàm ý cám ơn m nha)
Ví dụ 2: Khi sếp mình hỏi có ai muốn tham gia hội thảo về kích thích sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ .
Chefen: Är det nån (någon) som vill komma till föreläsningen “Språkstimulera mera!”
Karin: Jag vill gärna komma. – Tôi thực sự muốn tham gia.
3. Hur känns det? – Bạn cảm thấy như thế nào? /Bạn thấy sao rồi?¨
Thường được dùng khi bạn muốn hỏi cảm xúc của ai đó khi gặp vấn đề gì đó.
Khi mình làm việc với học sinh thì rất hay gặp những tình huống như các em khóc hoặc giận sau khi xảy ra xung đột với bạn bè xung quanh. Thường giáo viên tụi mình sẽ để trẻ tự bình tĩnh lại nếu như không phải quá nghiêm trọng, đôi khi sẽ an ủi và ngồi bên cạnh các em. Sau một lúc khi các em bình tĩnh laị thì giáo viên tụi mình thường hỏi các em:
Känns det bra nu? – Bây giờ đã ổn rồi phải không (con/em)?
để giúp các em yên tâm, bình tĩnh và cảm nhận được sự quan tâm của người lớn.
4. Det gör inget/ Det gör ingenting/ Det är ingen mening/ Det är inte meningen – Không sao cả, không sao đâu mà, không có gì đâu.
5. Ingen fara!
Câu số 4 và số 5 này có thể dùng để nói với người đối diện rằng việc vừa xảy ra, đã xảy ra không có gì nghiêm trọng, không có gì phải lo.
Ví dụ như khi bạn đang vội, lỡ đụng trúng người đối diện hoặc người đi đường,…
Bạn: Förlåt!
Người “bị hại”: Ingen fara! / Det gör inget.
Tới đây thì bạn có thể thở phào nhẹ nhõm rồi đó. Tương tự, khi ai đó lo lắng làm việc gì đó sai hoặc không đúng với dự định ban đầu nhưng không cố ý, mà bạn có thể tha thứ được thì cũng có thể nói với họ cụm từ số 4 hoặc số 5.
Ngoài ra, khi con bạn có vô tình làm hư, làm đổ, làm rơi cái gì đó, thay vì mắng con sẽ làm con hoảng sợ thì bạn có thể nói với con là “Det gör ingeting” rồi cùng con thu dọn kèm với việc giải thích cho con là lần sau nếu con cẩn thận hơn thì sẽ không cần phải thu dọn nữa, con sẽ có thêm thời gian để làm việc con thích. Điều này mình và đồng nghiệp vẫn thường làm hàng ngày. Và sau một, hai lần thì học sinh của tụi mình không tái phạm hay lặp lại hành động đó nữa. Đó cũng là một điều hay mà mình đã học hỏi được từ các đồng nghiệp Thuỵ Điển.
6. ….gör så gott … kan – … làm tốt nhất có thể rồi
Ở chỗ “…” là đại từ nhân xưng tuỳ vào đối tượng được nói đến. Các bạn có thể đọc thêm bài viết Pronomen – Đại từ tiếng Thuỵ Điển từ A tới Z của mình tại đây.
Cụm từ này được sử dụng ở nhiều tình huống khác nhau. Ví dụ như đôi khi mình tự nhủ với chính mình rằng “Jag gör/gjorde så gott jag kan/kunde så jag behöver inte ångra mig för nåt/något” – Mình đã làm hết sức có thể rồi cho nên mình chẳng cần phải hối tiếc bất kì điều gì”.
7. Var rädd om dig / Skött om dig – Giữ gìn sức khoẻ nha
Thông thường thì mình hay nhận được những lời nhắn gửi qua điện thoại hay tin nhắn mỗi lúc bị ốm là “Krya på dig” – Mau khoẻ nhé. Nhưng khi đã trở nên thân hơn với một số đồng nghiệp Thuỵ Điển rồi thì những dòng tin nhắn các nhân trở nên dài hơn, ngoài việc dặn mình nên uống thuốc gì, uống nhiều nước, bla bla bla thì dòng cuối thường là “Var rädd om dig och krya på dig” hoặc là “Skött om dig och krya på dig” – Nhớ giữ gìn sức khoẻ và mau khỏi bệnh nha.
8. Jag förstår det/ Det förstår jag – Tôi hiểu điều này, tôi hiểu mà
Cụm từ tuy đơn giản nhưng giúp bạn thể hiện sự đồng cảm khi nghe đồng nghiệp sẻ chia, hoặc đơn giản chỉ là diễn tả rằng bạn đang tập trung vào cuộc trò chuyện và hiểu những gì đang được nói.
9. Det är du värd – Bạn xứng đáng với điều đó
10. Du förtjänar det – Bạn xứng đáng với điều đó
Đọc đến đây thì mình chắc chắn là các bạn đã biết cụm từ số 9 và 10 có thể dùng để khuyến khích, khích lệ tinh thần hoặc là sẻ chia niềm vui cùng với một ai đó khi họ đạt được một điều gì đó sau những nỗ lực không ngừng nghỉ chẳng hạn.
Cám ơn quý bạn đọc đã luôn ủng hộ Admin trong suốt một năm qua. Chúc các bạn có một kì nghỉ giáng sinh an lành, ấm áp và hạnh phúc ngập tràn.
Xem thêm các bài viết liên quan với chủ đề này:
Từ và cụm từ người Thuỵ Điển thường sử dụng – Phần 1
Từ và cụm từ người Thuỵ Điển thường sử dụng – Phần 2
Từ và cụm từ người Thuỵ Điển thường sử dụng – Phần 3
Ngoài ra, các bạn có thể tự học tiếng Thuỵ Điển qua các chủ đề dưới đây:
Tự học ngữ pháp / văn phạm tiếng Thuỵ Điển
Tự học giao tiếp, giao tiếp ngành Nail, Nhà hàng, bệnh viện đơn giản
Tài liệu tự học và tự ôn thi SFI

