
Tiêm phòng cho trẻ ở Thụy Điển và những điều cần biết
Vô tình hôm trước có một số bạn thắc mắc về tên gọi của các loại vắc xin tiếng Thụy Điển là gì, một số bạn còn có chút lo lắng trước khi đưa con nhỏ về Việt Nam chơi hoặc đi du lịch ở một nơi xa. Vì thấy được sự cần thiết của những thông tin này nên Admin đã hú ngay mẹ Nếp – Anh Do chia sẻ thêm thông tin và những kinh nghiệm của bản thân.
Dưới đây là những thông tin Admin đã tổng hợp lại từ các trang thông tin chính thống của Thụy Điển và từ kinh nghiệm thực tiễn của Mẹ Nếp – Anh Do. Trong bài viết này Admin có cung cấp một số từ vựng tiếng Thụy Điển để giúp cho các bạn dễ tiếp nhận và tìm hiểu thêm thông tin khi cần. Hy vọng giúp ích được cho các bạn đang cần.
Theo những thông tin được đăng trên trang www.folkhalsomyndigheten.se thì chương trình tiêm phòng vắc xin chung dành cho trẻ ở Thụy Điển là hoàn toàn miễn phí. Mỗi trẻ em sẽ có quyền được tiêm 10 loại vắc xin (bên dưới). Các bạn có thể bấm vào tên của từng loại vắc xin để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh, các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh, các con đường lây bệnh và cách xử lý bằng tiếng Thụy Điển từ trang www.1177.se.
10 LOẠI VẮC XIN PHẢI TIÊM CHỦNG CHO TRẺ
- difteri: bệnh bạch hầu
- stelkramp: bệnh uốn ván
- kikhosta: bệnh ho gà
- polio: bệnh bại liệt
- Haemophilus influenzae typ b: bệnh dịch do Vi khuẩn Hib
- pneumokocker: bệnh phế cầu khuẩn
- mässling: bệnh sởi
- påssjuka: bệnh quai bị
- röda hund: bệnh rubella
- humant papillomvirus: bệnh nhiễm trùng virus HPV sinh dục
LỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN CHO TRẺ
Theo trang www.1177.se về chương trình tiêm phòng cho trẻ em thì lịch tiêm phòng của trẻ từ 3 tháng tuổi đến hết lớp 9 như sau:
A – Từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi. Chương trình tiêm ngừa cho trẻ sẽ do Barnavårdcentral (BVC) chịu trách nhiệm, cụ thể:

3 tháng tuổi, 5 tháng tuổi và 12 tháng tuổi: mỗi lần bao gồm 2 mũi tiêm
1 mũi 5 trong 1: bạch hầu (difteri), uốn ván (stelkramp), ho gà (kikhosta), bại liệt (polio) và bệnh dịch do Vi khuẩn Hib (Hib – Haemophilus influenzae typ b)
1 mũi riêng là phế cầu khuẩn (pneumokocker)
Trẻ sẽ được tiêm mỗi đùi một mũi.
18 tháng tuổi: 1 mũi 3 trong 1 gồm có sởi (mässling), rubella (röda hund) và quai bị (påssjuka)
5 tuổi: 1 mũi 4 trong 1 gồm có bạch hầu (difteri), uốn ván (stelkramp), ho gà (kikhosta), bại liệt (polio)
Lưu ý: không bao gồm Vaccine Hib & Phế cầu khuẩn vì đã hoàn tất khi trẻ 1 tuổi.
B – Khi trẻ bắt đầu đi học, chương trình tiêm ngừa sẽ do phòng y tế của nhà trường chịu trách nhiệm. Thời gian cụ thể sẽ tuỳ theo trường học nhưng vẫn theo lộ trình chung như sau:

Từ lớp 1 đến lớp 2 (årskurs 1-2): 1 mũi 3 trong 1 gồm có sởi (mässling), rubella (röda hund) và quai bị (påssjuka)
Từ lớp 5 đến lớp 6 (årskurs 5-6): 1 mũi chống virus HPV (humant papillomvirus) cho các em NỮ. 2 lần tiêm. (Thời gian cách nhau từng lần tuỳ theo trường)
Bệnh nhiễm trùng HPV sinh dục có thể xảy ra ở cả nam, nên các bé trai có thể đăng kí tiêm thêm vắc xin HPV nếu muốn. Hiện nay các bé trai ở Blekinge của Thụy Điển đã là những bạn nam đầu tiên được tiêm phòng HPV. (theo www.dagensmedicin.se)
Từ lớp 8 đến lớp 9 (årskurs 8-9): 1 mũi 3 trong 1 gồm có bạch hầu (difteri), uốn ván (stelkramp) và ho gà (kikhosta)
Thông tin bên lề: Hệ thống giáo dục ở Thụy Điển khác so với ở Việt Nam. Sau khi học xong mẫu giáo các em sẽ vào lớp 0 (förskoleklass) dành cho trẻ 6 tuổi với mục đích giúp các em dần làm quen với môi trường học tập ở trường grundskolan, từ lớp 1 tới lớp 9 (årskurs 1 – 9).
C – Tiêm ngừa theo yêu cầu (tự đăng ký & đóng tiền tại Vårdcentral )
Thông tin ngoài lề, Việt Nam là nước có tỷ lệ người nhiễm Viêm gan siêu vi B (Hepatitis b) khá cao. Nếu mẹ nào bị nhiễm, trẻ sinh ra sẽ được miễn phí chích ngừa tổng cộng 3 mũi:
– Ngay khi vừa sinh ra
– 2 tuần tuổi
– 4 tuần tuổi
Trước khi gia đình đưa con đi du lịch (về Việt Nam) hãy lên Vårdcentral để y tá kiểm tra xem cần tiêm thêm vaccines gì để bảo vệ cho trẻ (trình bày đi du lịch nước nào – trong bao lâu – sống ở khu vực thành phố hay địa phương heo hút – khí hậu ẩm thấp hay không -..v…v… ). Khi về Việt Nam, trẻ sẽ được tiêm Vaccines Viêm gan A – Viêm gan B – Viêm não Nhật Bản – Sốt rét (nếu gia đình bạn du lịch ở bản làng rừng rú gì đó, có trong list vaccines dành cho Việt Nam nhưng mình nghĩ sẽ hiếm khi cần).
Riêng lao phổi cũng hiếm được khuyến khích & Vårdcentral cũng không chịu trách nhiệm với loại vaccines này, bạn phải liên hệ khoa nhiễm của bệnh viện lớn để được tư vấn & tiêm tại đấy luôn.
1 loại Vaccine “vớ vẩn” khác tùy ý bố mẹ xem có nên tiêm cho con hay không là Vaccine Thuỷ Đậu (trái rạ) nhé. Vì sao mình nói là vớ vẩn, vì cá nhân mình lần đầu hỏi y tá thì được khuyên “khỏi tiêm cho đỡ tốn tiền vì đứa trẻ nào chả bị, lúc đấy khắc có đề kháng” . Nhưng sau 1 thời gian bàn tán với 1 số bạn nước ngoài (Thụy Điển – Mỹ – Châu Âu/ ý mình là các nước có hệ thống y tế khá phát triển) thì đa số các bạn ấy đều ủng hộ “cứ có vaccines tiêm được thì cứ tiêm”.
TÁC DỤNG PHỤ CỦA CÁC LOẠI VẮC XIN
Phần lớn trẻ em sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, phế cầu khuẩn và HPV sẽ không có phản ứng phụ hoặc nếu có chỉ là các tác dụng phụ nhẹ của vắc xin. Tác dụng phụ (nếu có) thường sẽ hết trong vòng một vài ngày.
Thông thường (ít nhất 1/1000 trẻ đã tiêm phòng gặp phải): đỏ, sưng và đau (khi chạm vào) ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, tiêu chảy, ói mửa.
Đối với trẻ sơ sinh: rất hiếm gặp (ít hơn 1/1000 trẻ đã tiêm phòng gặp phải) hoặc là vô cùng hiếm (ít hơn 1/10 000 trẻ đã tiêm phòng gặp phải): khóc không ngớt (không nguôi) trong vài giờ đồng hồ, sốt kéo dài hoặc vượt quá 39 độ. Sưng vù lên hoặc ửng đỏ ở chỗ tiêm, sốt co giật, lờ đờ và nhợt nhạt xanh xao, nổi mề đay.
Đối với trẻ lớn hơn: hiếm gặp ( ít hơn 1/ 1000 trẻ đã tiêm phòng gặp phải) hoặc là rất hiếm gặp (ít hơn 1/ 10 000 trẻ đã tiêm phòng gặp phải): sốt kéo dài hoặc vượt quá 39 độ, sưng vù lên hoặc ửng đỏ ở chỗ tiêm, nổi mề đay, các phản ứng dị ứng.
TỪ VỰNG VỀ CÁC TÁC DỤNG PHỤ CỦA VẮC XIN
- biverkning/ biverkningar: tác dụng phụ, phản ứng phụ
- rött, svullet och ömt på injektionsstället: đỏ, sưng và đau (khi chạm vào) ở chỗ tiêm
- lätt feber/ hög feber: sốt nhẹ, sốt cao
- diarré: tiêu chảy
- kräkning/ kräkningar: ói mửa, nôn
- otröstlig gråt: khóc không ngớt, khóc dỗ không nín (nếu dịch sát nghĩa)
- svullnad: sưng tấy – kraftig svullnad: sưng vù lên
- rodnad: tấy đỏ (da ửng đỏ lên)
- feberkramper: sốt co giật, co giật do sốt
- slapphet: uể oải, lừ đừ
- blekhet: xanh xao, nhợt nhạt
- nässelutslag: nổi mề đay
- allergiska reaktioner: các phản ứng dị ứng
Đọc thông tin chi tiết về chương trình tiêm phòng vắc xin chung cho trẻ tiếng Thụy Điển tại đây.
Cám ơn mẹ Nếp và chị Ly Phạm đã cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích để em có thể hoàn thành bài viết này.
Các bạn có thể đóng góp ý kiến và bổ sung thêm vào nội dung bài viết bằng cách để lại comment phía dưới bài viết. Mỗi đóng góp của bạn, dù là rất nhỏ cũng sẽ phần nào giúp ích cho các mẹ đang nuôi con ở Thụy Điển mà chưa rõ về thông tin cũng như chưa biết tiếng Thụy Điển nhiều.

CTV: Mẹ Nếp – Anh Do cùng con gái yêu
Trang blog simpleswedish của Karin Nga Do là trang blog học tiếng Thụy Điển hoàn toàn miễn phí, các bạn thông cảm khi nhìn thấy quảng cáo nhé. Việc đặt quảng cáo chỉ để có thể tiếp tục duy trì trang web với tên miền cao cấp .com.
Nếu bạn muốn chia sẻ những thông tin thú vị, bổ ích cho cộng đồng Việt Nam, bạn muốn có thêm động lực trong việc học tiếng Thụy Điển thì hãy trở thành cộng tác viên, tham gia viết bài cùng với mình nhé. Qua việc cộng tác với mình các bạn sẽ có cơ hội cùng mình trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Các bạn có thể gửi inbox cho mình qua trang Facebook Học tiếng Thụy Điển đơn giản.
Tự học và luyện thi SFI online tại đây.
Tự học ngữ pháp tiếng Thụy Điển qua các ví dụ minh hoạ cụ thể tại đây.
Học giao tiếp tiếng Thụy Điển tại đây.
Tìm hiểu về các Phương pháp học tiếng Thụy Điển nhanh nhất tại đây.
Học những từ vựng cơ bản thường gặp tiếng Thụy Điển tại đây.
Học qua Hạt giống tâm hồn tiếng Thụy Điển tại đây.
Ngoài ra, đối với các bạn đã có kiến thức cơ bản về tiếng Thụy Điển thì các bạn có thể xem bài viết “10 mẹo học tiếng Thụy Điển nhanh nhất” của mình tại đây.

